0913_logo_copy

“Phở Quốc Hận”

Saturday, April 30, 20228:46 AM(View: 15575)

 “Phở Quốc Hận”

 

Dong Duy Hoang kiem Nam (trich Toi lam bao)

Việt Tấn Xã, báo nhà nước, tuy không bó buộc nhưng hàng năm phóng viên thường được nhắc nhở viết một cái gì đó về ngày 20-7-1954 mà miền Nam gọi là ngày Quốc hận.

Những bài viết nhân dịp quốc hận thường mở đầu một cách quy ước và nhàm chán như nói : “ngày quốc hận 20-7 là ngày đánh giấu việc Thực dân và Cộng sản cấu kết chia đôi đất nước”  (ý nói hiệp định Geneve).

Sự kiện này đúng vì hiệp định này được ký kết giữa Việt Minh và người Pháp, đại diện chính phủ quốc gia từ chối ký kết.

Nói khơi khơi vậy thôi thì không sai nhưng không đầy đủ. Một biến cố lịch sử quá trọng đại             Sản).

Bài viết mở đầu hung hãn như vậy với hi vọng sẽ chứng minh rằng “quốc hận” là một định mạng vượt khỏi tầm kiểm soát của mọi phe phái ở Việt Nam.

Vậy thì mối hận của đất nước (Quốc hận) nằm ở đâu?. Tôi cho rằng chỉ cần ghi lại trung thực những diễn biến lịch sử từ khởi sự trận Điện Biên Phủ sẽ cho người ta thấy đích xác lai lịch của mối hận...

 Cuối năm 1949 Mao toàn thắng ở Lục Địa, viện trợ quân sự cũng như áp lực mạnh hơn với Việt Minh.  Chiến tranh Triều Tiên tạm chấm dứt tháng 7-1953 nhưng lại mở đầu cho một trận chiến mới gọi là “Chiến Tranh Lạnh” trong đó phía tư bản do Hoa Kỳ lãnh đạo đối nghịch với khối Cộng Sản do Nga Xô lãnh đạo.

Việt Nam cũng như Triều Tiên không may rơi vào gọng kìm của hai thế lực quốc tế này.

Trong gọng kìm định mạng này, ở Đông Dương,  từ cuối năm 1950 nhờ viện trợ của Hoa Kỳ, Pháp tung ra nhiều đợt phản công càn quét khiến lực lượng Việt Minh bị thiệt hại nặng nề nhưng cũng rõ ràng là không thể tiêu diệt tận gốc, vì thế, người Pháp muốn dàn dựng một trận chiến quy ước, toàn diện nhằm thu hút toàn bộ chủ lực của Việt Minh vào một chiến trường do họ chọn lựa rồi dùng toàn bộ uy lực của không quân Mỹ- Pháp tiêu diệt một lần trọn ổ.

Quan niệm chiến thuật này gợi ý từ một phương pháp trị liệu của y khoa nhằm tạo một “khu vực sưng tấy” trên cơ thể người bệnh, tạm gọi là tạo một “nhọt bọc trị liệu”. Thuật ngữ Y khoa gọi là tạo một “abcès de fixation”

Trị liệu pháp này bắt nguồn từ sự thành công trong việc chủng ngừa bệnh đâu mùa, bệnh lao bằng cách tiêm vi trùng đã chết vào cơ thể để tạo nên một vết sưng nhân tạo ngoài da, hi vọng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể sẽ gia tăng sản xuất  kháng thể.  Bệnh nội thương nhờ đó sẽ được điều trị từ bên ngoài.

Trong thực tế, một  “abcès de fixation” được tạo nên bằng cách tiêm tinh dầu thérebantine (dầu xoa bóp ngựa đua) vào dưới da trong trường hợp một cơ thể bị nhiễm trùng toàn diện. Nhọt bọc nhân tạo này sẽ sưng tấy lên, hi vọng  sẽ giúp cơ thể tạo nên nhiều kháng thể để trị căn bệnh nội thương.

Cơ thể Việt Nam trong giai đoạn năm 1953 quả là đang bị nhiễm trùng toàn diện với căn bệnh Việt Minh, từ Cà Mâu đến Bắc Việt không nơi nào không có du kích Việt Minh.

Liên tiếp nhiều tướng lãnh cao cấp của Pháp có kinh nghiệm du kích và phản du kích trong thời kháng chiến chống Đức như Leclerc, Jan Valluy, Blaizot, De Lattre, Salan được gửi tới Đông Dương nhưng đều thất bại trong nỗ lực bình định. Đánh chỗ này Việt minh phì ra chỗ khác ngay cả họ đã chiếm thế thượng phong tại Lào.

Tháng năm năm 1953 tướng Pháp Navare được  gửi sang Đông Dương không phải với hi vọng đạt một chiến thắng mà làm sao để rút lui trong danh dự vì cho đến lúc tướng De Lattre rời khỏi Việt Nam thì lực lượng Pháp vẫn ở trong tư thế thủng chỗ nào vá chỗ đó, không có một chiến lược dài hạn.

Hội nghị quốc tế Geneve để giải quyết chiến tranh Đông Dương cũng đã bắt đầu. Chiến lược dài hạn của Navare đưa ra là phải nhử toàn bộ chủ lực Việt Minh vào một trận chiến lớn để phân định rõ một thắng một thua. Chiến trường Điện Biên Phủ được chuẩn bị trong cung cách một nhọt bọc định vị “abcès de fixation” nói trên.

Phía Việt Minh chấp nhận thách đố này và chịu trả gía cao vì hội nghị Geneve đã bắt đầu. Họ cho rằng có thể dùng chiến thắng quân sự để vừa đánh vừa đàm, để mặc cả vì nói đúng ra thực trạng Việt Minh sau gần 10 năm “trường kỳ kháng chiến”  cũng rất mệt mỏi.

Chính Hồ Chí Minh từng nói với tướng Giáp là  trận này nhất định phải thắng vì nếu thua là hết láng ”.

Theo Krutchev, trước đó không lâu, trong một đại hội của Cộng Sản Trung Hoa ông Hồ cho biết là lực lượng Việt Minh có thể bị tràn ngập (over run) sau nhiều cuộc phản công liên tục của người Pháp trong những chiến khu tương đối an toàn của Việt Minh trong vùng Việt Bắc.

Trong trường hợp bị tràn ngập, Việt Minh yêu cầu được di tản chiến thuật sang Trung Quốc và Hồng quân can thiệp. Lời yêu cầu này bị Mao Từ chối thẳnh thừng khiến Việt Minh rất lo lắng.

Để dứt điểm, dự trù của kế hoạch “nhọt bọc trị  liệu” khi chủ lực Việt Minh tập trung quanh lòng chảo Điện Biên, Hoa kỳ sẽ dùng toàn bộ uy lực không quân của mình để nghiền nát Việt Minh.

 Tuy nhiên Mỹ chỉ nhập cuộc với điều kiện “Pháp phải cho “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Ngay trong những ngày đầu của trận Điện Biên,  Tham mưu trưởng quân đội Pháp là tướng Paul Ely bay sang Mỹ hội đàm với ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles về kế hoạch “ abcès de fixation” trong đó dự trù sẽ sử dụng khoảng 100 pháo đài bay B29 từ căn cứ Okinawa và Phi Luật Tân, được yểm trợ bởi 150 chiến đấu cơ từ hạm đội 7 để oanh kích và thả 1400 tấn bom trên các vị trí của Việt Minh.

Cuộc oanh kích tàn bạo này còn dự trù sẽ sử dụng ba trái bom nguyên tử cỡ nhỏ (Lực lượng nguyên tử chiến thuật) thả quanh sườn núi phía Việt Minh.

Nỗ lực này được mô tả là một surgical operation, một cuộc hành quân “giải phẫu”của Mỹ

Phía người Pháp không hoàn toàn chấp nhận đòi hỏi của Mỹ vì muốn giữ lại thuộc địa Nam Kỳ,  cái vương niệm mỹ miều mang niềm hãnh diện của đế quốc Pháp. Hơn nữa người Pháp còn muốn chơi nước đôi, nếu toàn thắng thì chỉ chấp nhận cho một Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp”  tức là một thứ độc lập giả hiệu, chừng mực kiểu như Liên Hiệp Anh (English Common wealth)

Hoa Kỳ không đồng ý nên back out, huỷ bỏ kế hoặch nhọt bọc, chỉ tham dự chiếu lệ trong cuộc hành quân Vulture của không quân, ngay cả những phi cơ C19 của Mỹ, do phi công dân sự của Air America lái nhưng buộc  phải sơn cờ Pháp. Lúc đó người ta nói rằng chỉ cần có một phi cơ sơn cờ Mỹ bay trên trời Điện Biên Phủ là Việt Minh sẽ rút lui và chấp nhận mọi điều kiện(Mỹ không muốn Việt Minh thắng nhưng cũng không muốn Pháp toàn thắng để tiếp tục đô hộ Việt Nam)

Việc can thiệp nhỏ giọt của Mỹ đưa tới thảm bại.

Ngày 7-5 tướng De Castry chỉ huy Điện Biên Phủ điện về bộ tổng tham mưu ”

Quân Việt tràn ngập. Đã nhìn thấy phút tàn canh của trận chiến nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng”.

Tướng Cogny trả lời

Tất nhiên không thể có chuyện mang cờ trắng ra đầu hàng sau khi quý vị đã chiến đấu anh dũng ...Thiếu Tướng phải tự tử

Đêm hôm đó tất cả các vị trí trung ương của Pháp đều bị hạ. Người phụ trách vô tuyến cố nói lời cuối cùng “chúng tôi bị tràn ngập...nước Pháp muôn năm

Điện Biên Phủ thất thủ ngày 8-5-1954 với cờ trắng và 12,000 tù binh lúc Việt Minh bước vào bàn hội nghị.

Chiến thắng với cái giá quá mắc, Việt Minh cũng kiệt quệ. Ngày 10-5, hai  ngày trước khi Điện Biên đầu hàng  Phạm văn Đồng chỉ đề nghị ngưng bắn tại chỗ nhưng đến ngày 25-5 lập trường của Việt Minh thay đổi hẳn, đòi một cuộc “chia cắt thành khu vực hai giới tuyến tạm thời”.

Đại diện chính phủ quốc gia luật sư Trần Văn Đỗ phản đối kịch liệt việc chia cắt “dù tạm thời” vì trước khi phe quốc gia bằng lòng tham dự hội nghị,  hoàng đế Bảo Đại đã được thủ tướng Pháp Bidault viết thơ cam kết là “mọi thoả thuận sẽ không có việc chia cắt lãnh thổ”

Chính phủ quốc gia sẽ chỉ tham gia hội nghị này với điều kiện ngưng bắn tại chỗ,  không ấn định giới tuyến, ngưng chiến da beo như đề nghị lúc đầu của Pháp.

Đây chỉ là ngoại diện vì cả hai phía Việt Minh lẫn Chính Phủ Quốc Gia thật ra chỉ là một con cờ trên bàn cờ chiến tranh lạnh giữa khối Cộng sản và phe Tư bản.

Hai phe này tranh giành, chia sẻ quyền lợi trong đó biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ mang tính linh thiêng của các dân tộc chẳng có nghĩa lý gì. Đông Âu, Ba Lan, nước Đức, bị xé vụn ra từng mảnh, Triều tiên đã chia đôi...nhiều quốc gia mới thành hình sau đệ nhị thế chiến.

Thật ra ngay từ ngày 28-6, trước khi ngã ngũ các cuộc bàn thảo, Anh và Mỹ đã họp bàn và đưa ra một thông cáo chung nói khá rõ ý định:

 “Sẽ duy trì một (thực thể) Nam Việt Nam không Cộng Sản (tránh không nói rõ là một quốc gia) và cũng giữ lại một số khu vực ở châu thổ sông Hồng.

 Để nhấn mạnh cho quyết định này, người Mỹ đồng thời cũng hé lộ là tổng thống Eisenhower sẽ xin quốc hội cho phép can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương.

Với tiết lộ này, phía Cộng Sản phải tự hiểu đây là một tối hậu thư vì nếu không thoả hiệp sẽ tái diễn một Triều Tiên và trong trận chiến này Trung Cộng đã thiệt một triệu quân nên đã ê càng.

Rất may là ở Triều Tiên, người Mỹ (chủ yếu chỉ lo giàn trận cho bàn cờ chiến tranh lạnh)  nên đã không thừa thắng vượt sông Ấp Lục là biên giới Triều Tiên với Trung Hoa để đánh thẳng vào lục địa như dự tính của Mac Arthur.

Đại diện Việt Minh Tạ Quang Bửu lúc đầu rất găng đòi giới tuyến tạm sẽ từ vĩ tuyến 13 trở ra Bắc (ngang Hồ Tonlsap khúc giữa Tuy Hoà và Nha Trang).

Đòi hỏi này quá đáng nên Chu Ân Lai gặp Hồ chí Minh và đe doạ là “Sẽ có sự can thiệp của Hoa Kỳ nếu Việt Minh đòi đạt một chiến thắng toàn diện và nếu đòi hỏi quá đáng ở hội nghị thì chuyện Mỹ nhẩy vào sẽ xẩy ra ”.

Dưới áp lực của Trung Cộng, tổng bí thư Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Hồ chí Minh đều phải chấp nhận...

Khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” được đổi thành: “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Hôi đàm kéo dài tới ngày 20 tháng 7 (ngày quốc hận) thì kết thúc với việc chấp nhận vĩ tuyến 17 là đường phân chia “hưu chiến tạm thời”. Một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 .

Thoả thuận này không là một hiệp ước mà chỉ là một “thoả thuận tạm thời” chấm dứt hành động thù nghịch tại Việt Nam. Sau đó thì dưới sự phù phép của Hoa Kỳ một nước Việt Nam Cộng Hoà được thành lập sau khi Pháp tuyên bố Việt Nam độc lập

Việc chọn vĩ tuyến 17 cũng có thể không phải là một chọn lựa tình cờ nếu nhớ lại là trước khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, tại hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945 về việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương, Tam Cường Anh Mỹ Nga đã quyết định quân Anh sẽ giải giới từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam trong lúc quân của Tưởng từ biên giới phía Bắc tiến vào Nam

Ấn định việc giải giới quân Nhật, về hình thức cũng tương tự như tinh thần trên văn bản của hiệp định Geneve 1954 tức là “không phải là một sự chia cắt lãnh thổ vĩnh viễn mà chỉ là  ấn định một chiến tuyến quân sự tạm thời trong cuộc hành quân giải giới quân đội Nhật bởi hai quân đội”.

Sở dĩ phải chia đôi công tác giải giới như nói trên vì trong chiến tranh, ở Á Châu có sự thành lập hai khu chiến là Khu Chiến Trung Hoa ở phía Bắc và khu chiến của người Anh ở phía Nam.

Giai đoạn đầu vì không phân định rõ biên giới vùng lãnh thổ trách nhiệm nên người Anh và người Tàu va chạm hoài. Người Tầu phản đối việc Anh Pháp hoạt động tại Đông Dương vì cho rằng khu vực này nằm trong thẩm quyền của mình. Tranh giành đưa tới một thoả hiệp ngầm (bất thành văn) về lằn ranh vô hình vĩ tuyến 17

Người Anh vì muốn bảo vệ những thuộc địa ở phía Nam Thái Bình Dương nên khi tiến hành tiếp thu phía Nam Việt Nam  kéo theo cái đuôi là thực dân Pháp .

Ở phía Bắc người Tầu cũng muốn đưa đẩy một chính phủ vệ tinh do Quốc Dân Đảng Viêt Nam lãnh đạo nhưng không thực hiện được vì tháng 8 năm 1945 Việt Minh đã nhanh tay cướp chính quyền trong lúc ở miền Nam người Pháp cũng loay hoay tìm cách dựng một chính phủ tay chân với lá bài Bảo Đại.

Người Pháp muốn tái lập lại quyết định của Postdam vì họ chỉ quan tâm tới thuộc địa Nam Kỳ mà thôi....

Tôi đã viết một bài dài như vậy để  minh xác rằng  “Đất nước bị chia cắt hiển nhiên là một mối hận” nhưng chẳng qua đây là định mệnh không may chung của dân tộc, cả hai phía Nam Bắc nếu không nhìn thẳng vào căn nguyên của “mối hận” thì mối hận sẽ càng thảm thương hơn.

Tôi cố nhấn mạnh rằng từ hội nghị Postdam với việc chia vùng giải giới quân đội Nhật ở vĩ tuyến 16 cho đến việc ấn định vùng hưu chiến tạm thời của thoả thuận Geneve năm 1954 (Geneve accord)  mọi quy định chỉ là một thoả thuận (accord) có giá trị tạm thời trong đó vai trò của phe quốc gia cũng như Việt Minh chỉ là những con múa rối vô thẩm quyền hoàn toàn bất lực, thụ động.

Việt Minh muốn ấn định giới tuyến hưu chiến, chính phủ quốc gia phản đối không ký kết thực ra chỉ là việc hợp thức hoá sự chia chác vùng ảnh hưởng được thoả thuận giữa đế quốc Đỏ và đế quốc Thực dân, một phía là Nga Tầu phía còn lại là Mỹ Pháp Anh.

Một bài viết với quan điểm như thế, dù được viện dẫn những chi tiết lịch sử ít được quần chúng biết tới về thoả hiệp Geneve (nên thường gọi nhầm là hiệp định) và dù cách viết luồn lách cách mấy cũng khó mà qua thoát được trên bản tin Việt Tấn Xã, cơ quan phát ngôn chính thức của nhà nước.

Điều quan trọng là cần giải thích điều mà báo chí thường nói tới, mọi người đều biết, vẫn được miền Nam ca ngợi như một thành tích đó là việc miền Nam không ký vào thoả ước và sau đó đã từ chối không thi hành tổng tuyển cử khiến việc chia cắt thành vĩnh viễn cũng như không giải thích được sự thành lập một quốc gia Việt Nam Cộng Hoà nằm ngoài dự liệu thoả ước Geneve.

Để giải toả vấn nạn này và chứng tỏ miền Nam có chính nghĩa khi từ chối không ký, tôi đã phải tỷ mỷ viện dẫn những sai lầm của chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản khi  nhìn vào thực tại ở Liên bang Xô Viết, ở Đông Âu, Trung Cộng Bắc Hàn, Cuba.

Nhìn vào thực tại tàn bạo “không thể chối cãi được” đang diễn ra sau bức màn sắt, với những trại tù khổ sai Gulag ở Nga Xô thời Stalinist, đời sống khốn cùng, nghèo đói, thiếu tự do của những quốc gia theo Cộng Sản Đông Âu, Đông Đức, Cuba,  Bắc Hàn thì miền Nam có đầy đủ chính nghĩa và lý do để phải chống Cộng.

Miền Nam cũng không thể chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử khi mà cũng “không thể chối cãi” miền Bắc trong giai đoạn từ sau Geneve hoàn toàn không có tự do.

Trong cương vị miền Nam, tôi nghĩ đây mới là điểm then chót cần nhấn mạnh để giải thích tại sao miền Nam từ chối tổng tuyển cử và cũng là lý do hoặc chính nghĩa của việc thành hình một quốc gia Việt Nam Cộng Hoà như một chiến tuyến chống Cộng.

Một sự giải thích minh bạch dựa vào những dữ kiện và thực tại lịch sử sẽ hiệu qủa hơn trong việc làm sáng tỏ điều mà người ta vẫn nói về “chính nghĩa” của Việt Nam Cộng Hoà thay vì cứ bám víu vu vơ vào việc kết tội Việt Minh cấu kết với thực dân chia đôi đất nước. Đó là ý định đầu tiên của tôi khi viết về ngày quốc hận

Đọc tới đọc lui bài viết, tuy vô cùng khoái chí kiểu như Trần tế Xương “viết vào giấy dán ngay lên cột” nhưng cuối cùng tôi đành quyết định bỏ vào sọt rác vì biết chắc chắn viết theo kiểu này sẽ không thoát mà cho dù có thoát cũng sẽ tạo nhiều hiểu lầm chụp mũ nguy hiểm.

Không thể lội ngược dòng một cách quá đáng, tôi đành vứt bài thứ nhất vào sọt rác để viết một bài thứ hai, chuyển đề tài quốc hận theo một chiều hướng khác, nhẹ nhàng và xây dựng hơn với đề tựa “Phở Quốc Hận”.

Vẫn tấm tức vì chuyện phải “tự ý đục bỏ ” bài viết của mình nên tôi mở đầu bài viết mới bằng một cái “lead” rất “khủng” :

Người ta vẫn gọi ngày hai mươi tháng bảy là ngày “Quốc hận” vì đó là ngày ký kết thoả ước Geneve đưa tới việc chia đôi đất nước nhưng riêng tôi vẫn cho rằng đây là “một ngày vinh quang chưa từng thấy của dân tộc Việt Nam”...

Sau câu mở ngang ngược này tôi phải chữa ngay:

Vì đó là ngày đánh dấu một sự hoà đồng chưa từng thấy trong lịch sử  đất nước này.!!!”.

Tôi biện minh tiếp

Cuộc di cư mang vào miền Nam đồng loạt một triệu người Bắc mau chóng xoá đi những vết tích chia rẽ cuối cùng mà bọn thực dân đã mất công xây dựng  trong suốt tám mươi năm để o bế và tìm cách đồng hoá thuộc địa Nam Kỳ thành một lãnh thổ hải ngoại của đế quốc.

Nhớ lại, khi mới di cư mấy bà Bắc Kỳ õng ẹo chê miền Nam đủ thứ, chanh miền Nam không thơm bằng chanh miền Bắc, kiểu như nói trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, gạo Nàng Hương không thơm, thua xa gạo Tám thơm, thịt heo miền Nam ăn nó cứ làm sao ấy...!!!

Sự thực thì miền Nam mọi thứ đều ngon và tràn đầy.

Còn người Nam Bộ thì giễu là “Bắc Kỳ ăn cá rô cây ông trời quả báo hàm răng đen thùi ”.

Những ngày đầu còn có tin đồn ác độc được loan ra là “Bắc kỳ răng đen ăn thịt con nít” làm mọi người nhốn nháo một dạo. Đi học mà không nói được “Tâng sơn Nhức” là bị bạn hát giễu là anh “rau muốn”. Tôi con nhớ bài hát nhạo:

“Má ơi má...con nhỏ nó bịnh chi...lỗ đít có cọng rau...đúng rồi...đúng rồi..nó là Bắc kỳ...Bắc Kỳ”

Vậy mà món Phở di cư mang vào phổ biến nhanh chóng nhưng người ta vẫn gọi là Phở Bắc vì trong Nam chỉ có Hủ tíu của Ba Tàu.

Sự khác biệt Bắc Nam tuy không tới mức thù hận kiểu như dân Sunny và Shia ở Iraq, cùng mẹ đẻ ra trên cùng đất nước mà hở ra là chém giết nhau. Với tám mươi năm đô hộ, người Pháp cho Nam Bộ được hưởng một quy chế thuộc địa tự do rộng rãi, tuy không là quốc tịch Pháp nhưng dân Nam Bộ là những “sujet Francais” (những thành tố Pháp) đã tạo nên một khác biệt rõ rệt giữa ba miền đất nước .

Trong quy chế  thuộc địa Nam Kỳ, từ luật pháp đến giáo dục cởi mở hơn. Tuy nhiên để khai thác và thống trị thuộc địa kiến hiệu hơn, người Pháp sử dụng người Tầu trong một chế độ đầu nậu kinh tế của những bang hội.

Ngoài chế độ Bang hội, chính quyền thuộc địa còn dành cho người Hoa độc quyền buôn bán ba nhu yếu phẩm quan trọng nhất là gạo, muối, rượu. thuốc phiện, cờ bạc, bất động sản kể cả ruộng canh tác cũng được giành độc quyền cho người Tàu và tay chân

Ba Tàu tung hoành tạo thành những đại điền chủ, những ông hội đồng, đại gia địa ốc như một anh Tàu lượm ve chai Hui Bon Hoả làm chủ vài chục tiệm cầm đồ bình dân. (Đất của Chú Hoả bao trùm trung tâm Saigon ngày xưa)

Miền Nam mầu mỡ, đất rộng người thưa nên tâm hồn con người cũng hiền dịu phóng khoáng, tuy nhiên, vì không phải cạnh tranh kịch liệt để sống còn nên cũng không phấn đấu được với màng lưới kinh tài quốc tế của những người Tàu được hưởng biệt đãi đặc quyền của người Pháp.

Cho đến trước cuộc di cư 1954 Saigon của người Việt thu nhỏ lại quanh khu phố Tây, khu Dakao, Tân Định nhưng từ Chợ Bến Thành ngược vào Chợ lớn, Bình Đông, Bình Tây hoàn toàn do Ba tàu thao túng.

Từ năm 1954 với một triệu người Bắc di cư, biên giới Chợ Lớn bị đẩy lùi tới đường Khổng Tử, Chợ Bình Đông, Bình Tây. Ảnh hưởng, uy thế kinh tế của người Tàu vẫn chưa dẹp được hoàn toàn dù ông Diệm cấm người Tàu hành mười một nghề. Sau này dù ông Kỳ bắn Tạ Vinh nhưng cũng không thể chối cãi là khởi đi từ cuộc di cư năm 1954,  cái sắc thái Việt đã ngày một rõ hơn, lấn át một triệu rưởi người Tàu trong năm bang hội vùng Saigon Chợ lớn.

Cái sắc thái Việt Nam này dần thể hiện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống thường nhật, ngay cả bắt đầu đồng hoá những người Hoa sống trên đất Việt, tương tự như  việc Việt hoá những người Hoa sống ở Bắc Việt để tạo thành một thi sĩ Hồ Dzếnh với bài thơ “chiều” bất hủ.

Hiệu ứng của ngày “quốc hận” không chỉ về kinh tế mà là một thay đổi toàn diện trong phong thái sống của miền Nam.

Những thiếu nữ miền Nam trước kia thoải mái với chiếc áo bà ba khi ra phố, say sưa với 6 câu vọng cổ buồn rã rời mang âm hưởng Trung Hoa của ông Sáu Lầu nay đã bắt đầu chuộng chiếc áo dài hay nghe nhạc Phạm Duy.

Ngàn Trùng Xa Cách người đã đi rồi” cũng là chia ly đó nhưng thay thế dần cho bản Dạ Cổ Hoài Lang, “Tình Phu tướng” rất Tàu.

Mặt khác những kiều nữ Bắc Hà bớt kiểu cách, khách sáo, bớt mầu mè riêu cua để trở thành chân thật, đầm ấm, nhiệt tình nhờ đó chuyện ái tình nó cũng rực rỡ hơn, để thành nhiều áng văn chương của Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh.

Cuộc di cư mang vào miền Nam thứ văn chương bóng bẩy, cung đình của Mai Thảo, Nguyễn Tuân, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Doãn quốc Sỹ để hoà với nền văn chương bình dị đồng quê miền Nam của Hồ Biểu Chánh với Cha Con nghĩa nặng, Ngọn cỏ gió đùa, rồi biến thành Nguyệt Đồng Soài, Chú Tư cầu của Lê Xuyên hoặc giọng Nam hơi Bắc trong thơ Tô Thuỳ Yên,

Phong tục, lối sống, tập quán và cả ngôn ngữ cũng phong phú hơn. Trước kia nói  “yêu em tha thiết” thì nay có thể nói như câu ca dao miền Nam “Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”.

Bạn hay Bồ Tèo, thì cũng vậy. Mời bác xơi cơm “chảnh” theo điệu Bắc Kỳ biến thành “ăn không mày. dô dô” thì vẫn hiểu nhau, vẫn xà vào bàn nhậu “tới bến”. Hát tân nhạc thì phải giọng Bắc, ngâm thơ giọng Trung nhưng phim ảnh và kịch thì nhất thiết giọng Nam ăn đứt.

Thoại kịch Lá sầu riêng với Kim Cương, Vân Hùng vẫy vẫy cái mùi xoa là nước mắt chan hoà, nếu để giọng Bắc của Thúy Liễu và Lữ liên thì nó “kịch cỡm ơi là kịch cỡm” !!!

Mấy bà người Bắc lúc đầu chê ỏng chê eo món ăn miền Nam nào là cái gì cũng bỏ đường bỏ nước dừa vào ăn nửa mặn nửa ngọt chẳng ra cái thể thống gì cả nhưng rồi không bao lâu nước nắm pha chanh đường ớt tỏi của miền Nam toàn thắng trong mọi món chấm của người Việt. Cá kho tộ, bánh xèo ăn đứt bánh đa, bán đúc, bánh giò và món Phở cũng mau chóng thay thế cho những quán mì hay hủ tíu của người Tàu.

Ông nhà văn Nguyễn Tuân là người yêu món phở một cách quá khích, trong cách tả của ông thì Phở là tuyệt đỉnh văn hoá Việt Nam nhưng  “phải là phở Hanội cơ ”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông nhà văn Nguyễn Tuân nói thế nhưng theo ông nhà văn Đái Đức Tuấn tức TCHYA một người từng lưu lạc sang Tầu làm cách mạng thì món phở chính là sự đồng hoá của văn hoá Việt Nam đối với văn hoá Tàu vì người Trung Hoa có món “Ngầu nhục Phẩn” tức là canh thịt trâu với bánh bột gạo.

Tuy nhiên ông TCHYA (tôi chẳng yêu ai)  không chứng minh được là Phở Việt Nam lưu lạc sang Tầu biến thành Ngầu Nhục Phẩn hay ngược lại nên luận điểm phở quốc hồn quốc tuý của ông Nguyễn Tuân vẫn được coi là đúng. Mấy ông ái quốc cực đoan thì la lớn “vậy thì đúng rồi, Quảng Đông Quảng Tây trước kia chả là của Việt Nam là gì.!!!”

Bát phở Hà nội mà ông Nguyễn Tuân ca tụng với tất cả những nét tinh tuý, tế nhị, từ cách cắt miếng thịt, mùi thơm đặc thù của nước phở ở từng cửa hàng, mầu xanh của hành ngò cho đến cách ăn của khách hàng khi thưởng thức bát phở, nói trắng ra chỉ là biểu tượng thêu dệt quanh miếng ăn của một vùng đất nước nghèo khó.

Món ăn của người nghèo, dân tộc nghèo thường phải cầu kỳ phức tạp, tinh tế trong cách chế biến vì người ta không ăn cái thật mà phần nào còn ăn thêm cả cái tinh tế của cảm giác và cái ảo ảnh của hạnh phúc trong một lần được no đủ.

 Người ta bằng lòng và hãnh diện với những nghi lễ đôi khi cầu kỳ khi thụ hưởng miếng ăn.

Nguyễn Tuân từng mô tả câu chuyện ăn kẹo sỏi. Kẹo mạch nha được bọc trong những viên sỏi và được hai người bạn tâm giao trịnh trọng thưởng thức như một nghi lễ khi uống trà ngắm trăng.

Ở cái hải đảo Phù Tang nhiều đá ít đất nên thức ăn của người Nhật chỉ có cá và rong biển nhưng cách ăn và trình bầy thật trịnh trọng, kiểu cọ mỹ thuật dù chỉ là ít cơm nếp cuốn bên ngoài bằng rong biển ăn với cá sống chấm nước tương, không phải như bọn Tây vứt một miếng thịt bít tết gần nửa ký lô nằm chành bành trên mặt đĩa chẳng thanh cảnh chút nào.

Thật vậy, bát phở Hànôi của Nguyễn Tuân mà tôi từng được ăn thời thơ ấu là bát phở biểu tượng tuyệt vời của một vùng đất nghèo.

Phở phải đựng trong “bát chiết yêu” là một loại bát đặc thù của miền Bắc nhằm đánh lừa cảm giác của con người.

 ( chiết là thắt nhỏ yêu là cái eo vì thế mới có chữ Yêu Kiều  là thắt đáy như lưng con ong của người thiếu nữ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Miệng bát Chiết Yêu xoè ra to nhưng lưng bát thì thắt đáy nhỏ dần lại nhờ đó người ta không những có ảo giác bát lớn mà còn giúp khoe ra những gì béo bở hấp dẫn nhất trên mặt bát phở. Những lát thịt phải thái thật mỏng, soi lên nắng thấy mặt trời, bỏ vào miệng mà tưởng như muốn tan đi không cần nhai. Thịt này còn được ông hàng phở trân trọng bầy che kín bát phở để gây ấn tượng. Thịt ăn đến đâu thái đến đấy thì mới thơm và được thái theo ngón tay chỏ theo yêu cầu khẩu vị tế nhị của khách. Không phải thịt nào cũng giống thịt nào, chín nạm khác vè dòn, khác gầu dai...

Ông bạn tôi dược sỹ Vũ Chấn Hà đi cải tạo một lần được chia một cục thịt bằng ngón tay. Ông ta bỏ vào miệng không dám nhai mà chợt hoảng hốt tưởng như nó đã tan đi trong cổ họng.

Phở Hànôi của Nguyễn Tuân ăn “cực sướng”, mùa hè phở nóng bỏng, ăn vã mồ hôi, để gió hây hây thổi mát như máy lạnh. Mùa đông nước phở nóng bỏng, trôi đến đâu biết đến đấy làm ấm ruột gan. Phở ngon đơn giản vì không phải ai cũng được ăn phở và ăn bất cứ lúc nào dù trẻ con thì lúc nào cũng đói và ăn quà là truyền thống của người Hanôi nhất là các bà.

Ông Nguyễn Tuân nói đúng phở Hànoi không có trong nhà hàng mà là phở gánh, phở đầu đường xó chợ. Gánh phở nặng trên vai có cả một lò than nên nồi nước phở cũng không thể lớn, thường chỉ đủ phục vụ khách ăn quà trong từng khu phố nhỏ kiểu một quán hàng rong, không thể so sánh với những xe bán mỳ của Ba Tàu ở Saigon nhưng cũng chính vì thế mà mỗi gánh phở đều có mang một cá tính đặc thù.

Phở Hanôi không nấu bằng xương bò, phải ninh hầm rất lâu, củi lửa tốn kém nên phở gánh đều nấu bằng thịt mà ở thời Nguyễn Tuân ngay cả tới thời tôi mới lớn vẫn là một món xa sỉ ở Hanôi. Một lạng thịt (100 gram) thường được chia làm nhiều món cho cả nhà ăn, nên cũng phải hình dung khối thịt trong nồi nước phở gánh cũng không lớn lắm, do đó,  đòi hỏi cách nêm nếm tay nghề điêu luyện của ông hàng phở với gia vị và bột ngọt làm sao để chất lượng thịt yếu kém mà vẫn thơm tho, ngọt ngào đánh lừa được vị giác khách hàng. Đó là bát phở Hànội nguyên thuỷ mà tôi từng được ăn.

Vào miền Nam những ngày đầu chỉ có hủ tíu nấu bằng xương heo, thịt heo, lềnh bềnh ít thịt heo bầm và tóp mỡ, bát phở trắng nhởn không còn là “ngầu nhục phẩn” của ông TCHYA mà thành “Trư nhục phẩn” tức là canh thịt heo bánh gạo.

Nước hủ tíu còn được làm ngọt bằng cách bỏ thêm đường mà những tay ăn phở sành điệu đất Bắc Hà nhận ra ngay và khinh khỉnh nói : “đây chỉ là thứ bản sao thất truyền của Phở ”.

Chẳng bao lâu món phở di cư  không những đã hồi sinh, vươn vai lớn mạnh cùng với sự giầu thịnh phong phú của miền Nam mà còn được nâng cấp từ phở gánh sang phở tiệm.

Không còn những bác hàng phở đội mũ phớt rách nát tàn tạ bên gánh phở trong những ngày đông giá buốt, khách hàng ngồi trên ghế đẩu xúyt xoa húp, hít, ngửi bát phở thơm bên cái lò than ấm. Bây giờ ăn phở trong tiệm có người phục vụ. Trời Saigon nóng ăn xong bát phở vã mồ hôi, ra cửa tiệm hóng gió trời mát mặt, cũng “rất đã”.

Bát phở miền Nam thể hiện cụ thể sinh lực của một miền đất nước giầu thịnh. Không còn bát phở thắt đáy lưng ong “trông to hoá ra nhỏ” mà là một bát phở miền Nam thật thà, hậu hĩnh, như người Nam Bộ, có sao nói vậy. !! như câu hát của Phạm Duy “người hiền lành như một giấc mơ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên gọi của những tiệm phở cũng dài ra theo độ lớn của bát phở, không ngắn củn cộc lốc như phở gánh của Nguyễn Tuân, phở Gù, phở Lộc, phở Thọ, phở Sứt mà trở thành Phở Pasteur, phở Công lý, phở Tầu bay, phở cổng xe lửa số 1 vv...

Thực dân đã bỏ đi, không còn nhu cầu nấu “soupe Legumes” (súp rau  rất được người Pháp ưa thích), xương bò được “giải phóng” nhẩy vào nồi phở, ninh nấu tuy lâu hàng chục tiếng đồng hồ, vớt váng công phu để khỏi vẩn đục nhưng nước phở bổ dưỡng, ngọt ngào béo ngậy.

Cắt miếng thịt bầy trên bát phở theo Nguyễn Tuân cũng phản ảnh nét văn hóa của nghệ thuật ẩm thực nên phải trình bầy bát phở như một “ bức tranh tĩnh vật”, mầu xanh tươi của những nhánh hành lá, những khoanh trắng của hành tây, lấm tấm những vẩy hành xanh, những miếng thịt cắt gọn gàng mỏng, đẹp, ăn tới đâu cắt tới đấy theo khẩu vị đặc thù và ngón tay chỉ chỏ đòi hỏi đích danh của khách, chỗ này chín nạm, chỗ kia vè dòn, mỡ gầu,  vv. Chỉ những anh hàng phở thiếu tự trọng mới cắt vụn thịt ra không theo hình thù gì cả.

Miếng thịt trong bát phở miền Nam mười  năm sau cuộc di cư thái dầy mình, lớn như hai ngón tay, thể hiện chất lượng rất cụ thể trong miệng, người ăn phải tranh thủ nhai để không mắc nghẹn nên hoàn toàn không còn là một ảo ảnh của hạnh phúc no đủ mà là no thực sự.

 Quan trọng hơn cả là bát phở không còn là một đặc quyền bị hạn chế, bất cứ ai cũng có dư khả năng ăn một bát phở, vào bất cứ vào lúc nào. Các tiệm phở tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm Saigon đánh bạt đi những xe mì hay hủ tíu.

Cũng không còn ai dù là những thành phần chia rẽ địa phương ngoan cố nhất cũng không “giám” gọi phở là phở Bắc. Phở là của Việt Nam không họ hàng xa gần gì với hủ tíu của Ba Tầu.

Đất nước còn chia lìa nhưng quốc hận 20-7 ở mặt tích cực cũng đóng góp nhiều trong việc xoá bỏ những cách ngăn tồn động từ thời Trịnh Nguyễn với Xứ Đằng Trong, Xứ Đằng Ngoài chém giết nhau. Vua Gia Long thống nhất đất nước chưa được bao lâu là tiếp theo những năm tháng dưới ách thực dân, cố tình chia rẽ chia thành ba kỳ Nam Trung Bắc.

Trên cái tổng thể dân tộc, những gì diễn ra ở miền Nam từ  sau ngày quốc hận hai mươi tháng bảy là một sự hoà đồng và phong phú hoá về mọi phương diện từ văn hoá, ngôn ngữ, phong tục cho tới cái tình của người Việt với nhau.

Tôi mở đầu bài viết bằng một câu rất “khủng” và kết luận bằng một câu rất “trái lề”:

“Đất nước này trước sau gì cũng phải thống nhất như đã từng chia lìa và từng thống nhất. Bao giờ thống nhất tôi không biết, bằng cách nào tôi cũng không biết, nhưng chắc chắn nó sẽ phải thống nhất. Ngày đó, tôi sẽ mang con và có thể cháu tôi về Hànôi, mang theo bát canh chua cá lóc, nồi cá kho tộ cùng với bát phở Hồi Hương”.

“Phở Quốc Hận” thông qua Việt Tấn Xã êm ả, không thắc mắc và được rất nhiều báo đăng lại. Không biết có phải vì những chi tiết linh tinh quanh chuyện bát phở làm người ta quên đi ý chính trái lề của bài viết hay không vì giai đoạn năm 1965 tới năm 1970 chủ đề chính của miền Nam là không thể hoà giải với miền Bắc.

Nhạc Trịnh Công Sơn bị gọi là nhạc phản chiến mặc dù rất được những người lính ưa chuộng. Ông Vũ Dzũng bạn tôi làm nhà xuất bản Khai Hoá muốn in tập nhạc “Hoà bình ca” của Phạm Duy năm 1972 nhưng bị kiểm duyệt bác nên đành phải bỏ chữ hoà đi chỉ còn “Bình ca” nhưng toàn bộ bài hát được giữ lại.

Đó là điều buồn cười của guồng máy tuyên vận Saigon vì một mặt hô hoán đả kích cuộc “chiến tranh xâm lược” từ miền Bắc nhưng lại chống đối và kết tội những quan điểm muốn hoà bình

Này em anh đã về

Thì xin nghe anh kể

Chuyện mới, cũ, khóc vui tràn chề

“Những chuyện hoà bình có người nghe”

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, sau nhiều ngày ăn hot dog, Hamburger muốn phát ói, tôi được một bà đồng hương vợ Mỹ mời tới nhà ăn phở do bà ta nấu. Gọi là phở đúng ra là một thứ “canh thịt bò” có lẫn cả củ cải khiến nước phở ngọt lự, cố giữ chút hương vị Phở với rất nhiều gừng và hồi quế. Ông chồng Mỹ khen nức nở, húp sùm sụp, phần tôi lâu ngày không được hưởng hương vị quê hương nên cũng húp sùm sụp và khen rối rít.

Vậy mà chỉ chưa đầy một năm sau người ta đã bắt đầu được ăn những bát phở tàm tạm tại cái nhà hàng Việt Nam duy nhất ở Los Angeles hoặc tiệm phở của bà vợ ông Lê Quý Biên tại Santa Ana.

Muời năm sau thì phở đã tràn ngập ở Cali và mọi nơi có người Việt.

Ở Hoa Kỳ, bữa cơm chính yếu trong gia đình người Mỹ thường rất đơn giản, nhiều lắm là miếng sandwitch ăn với Ham hay trứng chiên. Đời sống rất bận rộn thường mọi người phải làm việc bên ngoài từ mười tới mười một tiếng. Tám tiếng ở hãng xưởng, một tiếng ăn trưa tại sở làm, hai tiếng lái xe đi về, phụ nữ  Mỹ rất lười nấu ăn cầu kỳ kiểu Việt Nam. Nhà cửa ở Mỹ trần thấp để giữ hơi nóng nên rất hôi hám khi phải ninh hầm nấu nướng. Xương bò bị khinh rẻ, không có chỗ dụng võ trong gia đình Mỹ nên nhẩy ào ào vào nồi nước phở Việt Nam.

Bát phở di tản èo uột, một lần nữa hồi sinh với những tên tuổi quen thuộc ngày xưa như Phở Pasteur, Phở Công Lý, Phở Lý Thái Tổ vv..

 Tô Phở di tản khoẻ mạnh dần dần, phồn thịnh như tập thể người Việt ở hải ngoại và được chấp nhận như một thứ món ăn mang tính cách quốc gia và đặc thù của những nhóm di dân như món Pizza của Ý, Hamburger của Đức, Tacos của Mê hi cô.

Ngồi trước tô phở tràn đầy sinh lực ở Cali, tôi viết thêm một đoạn nữa nhan đề “Phở Quốc Hận, phở Di Tản, Phở Hồi Hương đăng trên báo Hồn Việt của nhà báo Ngọc Hoài Phương.

1975, tôi không được hồi hương về Hanôi với tô canh chua cá lóc mà lưu lạc sang bên kia bờ Thái Bình Dương. Đất nước cũng đã thống nhất nhưng lại trải qua một thời kỳ lặn ngụp trong tăm tối, đói khổ, Ở hai bên bờ đại dương, người ta tiếp tục sống trong và sống bằng thù hận. Phở gần như hấp hối vì không thể tồn tại nhờ độn bobo hay khoai mỳ, bồi dưỡng bằng bột ngọt.

Bên này bờ Thái Bình Dương, những người tỵ nạn sống còn và phát triển phồn thịnh mau chóng cùng với bát phở di tản.

Nước Mỹ là sản phẩm biểu tượng của những người di dân. Những con người vì lý do nào đó phải bỏ quê hương ra đi nên thường phải vận dụng tối đa sinh lực, ý chí và tài khéo của mình để mưu sinh thoát hiểm  nên chỉ một thời gian ngắn mọi chuyện đã ổn định. Mọi người đều biết tự làm hoà với thực tại và chuyển hoá để thích nghi với những đều kiện mới. Ông đại uý quân cảnh cai tù Phú Quốc Hoàng Khởi Phong biến thành anh thợ tiện, tôi đi cắt cỏ rồi thành anh thợ in, một số người khác từ lắp ráp điện tử trở thành kỹ sư điện toán, bác sỹ, dược sỹ, kỹ nghệ gia ngay cả chủ nhà băng.

Bát phở di tản èo uột năm đầu trên nước Mỹ, “ăn để tưởng nhớ mùi hương” lại mau chóng được thay thế bằng những bát phở di tản béo mập như những phụ nữ Mỹ phục phịch, phía trước là một cái thúng, phía sau là một cái thúng.

Thường thì khó mà nuốt hết một bát phở cả cái lẫn nước ở Cali

Ngoảnh lại nhìn, đất nước vẫn chìm trong tăm tối của thời đóng cửa nghiến răng chịu đựng phong toả, bao cấp để “tiến lên xã hội chủ nghĩa”, trong lúc hồn ma cuả những người vượt biên chật cứng Biển Đông.

Tôi vẫn không thể ăn hết một bát phở di tản. Anh bạn tôi, kịch sỹ, tài tử, đạo diễn Nguyễn Long tức Long Đất, một thời lừng danh miền Nam mới tới nước Mỹ sau một chuyến hải hành kinh hoàng. Mời anh đi ăn phở, tôi bỏ dở nửa chừng trong lúc anh đã húp gần hết bát phở. Nhìn tôi bỏ cuộc anh  thoải mái lấy bát phở bỏ dở của tôi đổ vào bát mình ăn tiếp rồi ngó tôi lập nghiêm, nửa đùa nửa thật nói.:

 “Mày là thằng bất nhân, ăn bát phở này mày không nghĩ hàng triệu triệu người trong nước hay những thằng bạn mày trong trại tù cải tạo hiện nay sẽ thấy được bóng thiên đàng nếu chỉ được liếm một chút váng mỡ trong bát phở bỏ dở của mày”.

Tôi câm họng không thể trả lời chỉ biết nhìn anh vã mồ hôi, hổn hển vét sach hai bát phở.

Hết vượt biên tới HO, đàn chim Lạc Việt ngày một đông hơn trên nước Mỹ và lan toả trên toàn thế giới cùng với bát phở mang hơi hướm quê hương.

Hoa Kỳ nơi có nhiều người Việt nhất, gần 3 triệu, kế đó là Pháp, Úc và những nước Đông Âu. Chân trời góc biển chỗ nào có người Việt là có Phở. Ông bạn tôi lạc chân tới xứ Tân Cadolenia xa sôi cho biết vẫn được ăn phở.

Phong thái phở cũng như quan niệm sống của những đứa con xa rời tổ quốc có khác đi chút đỉnh nhưng vẫn là phở như người Việt, và người Việt cho đến nay vẫn là người Việt và mong mỏi sẽ còn như thế trong vài thế hệ kế tiếp, như ước vọng của nhà thơ Viên Linh:

“Trăm con học nói tiếng trăm dòng”

Mai sau khi có về quê cũ

Hi vọng ta còn tiếng khóc chung”.

Tôi lạc quan hơn vì tin rằng tất nhiên chúng ta không chỉ chung nhau tiếng khóc mà còn chung nhau cả tiếng cười nữa vì tương lai có vẻ đang mở ra với nhiều hứa hẹn tươi sáng của một “Việt Nam, viên ngọc Minh Châu sáng lung linh dưới trời Đông Á”.

Tại sao lại không thể tích cực tin được như vậy nhỉ ?.

Năm 2006, lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau trên 30 năm chia ly,  ăn một tô phở gánh tuy chưa hậu hĩnh bằng phở Cali nhưng đã ngon lắm và đủ mùi vị của “Phở Nguyễn Tuân”. Bát phở mậu dịch thời bao cấp như đất nước, có vẻ như đang hồi sinh chậm chạp.

2018 trở lại Hanội, cậu em đưa đi ăn Bát phở Thọ Xương thơm ngon hơn cả phở Cali , nhìn chung quanh muốn tìm hiểu chút lịch sử của thời mà người ta “thèm liếm một chút váng mỡ” như câu Nguyễn Long mắng tôi nhưng không cách nào kiếm được chút dấu vết của cái thời khốn khó đó.

Nhìn bốn phía chỉ thấy Hànôi nhai liên tục, nuốt, húp không ngừng, điện thoại di động bấm mỏi tay, quần áo các kiều nữ Hà Thành thời đại cực thoáng, không thiếu vải nhưng càng ngày càng ngắn, hàng hiệu hàng xịn ngàn đô TV màn ảnh lớn HD không thiếu thứ gì.

Hanôi như vừa tỉnh dậy sau giất ngủ mùa đông vươn vai lớn phồng lên. Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, vô địch thế giới về xe gắn máy với 45 triệu chiếc mua của Nhật,  Tàu, chỉ tiếc là mình vẫn chưa làm được một cái lốp xe

Nhìn đời sống no ấm, nhìn những nụ cười toe toét cũng mừng mà cũng lo vì ở nước ngoài người ta dè xẻn quý giá từng giây thì ở nước mình tràn ngập những “tỷ phú thời gian” đủ mọi lứa tuổi, vô tư trong hàng vạn quán cà phê từ ngõ hẻm, vỉa hè tới nhà hàng sang trọng.

Hang cùng ngõ hẻm, nam thanh nữ tú, quần là áo lượt, đủ kiểu thời trang  hàng hiệu Mỹ Nhật Đại Hàn, Ba Tàu, dài lê thê, ngắng cũn cỡn,mỏng như giấy bóng, tóc nhuộm đủ mầu vô cùng hiện đại, mỏi mắt tìm không thấy “giáng kiều thơm” của Quang Dũng mơ về Hanôi thủa nào. “Thôi thế  thì thôi thì thế đó”, từ kinh tế thời thuộc địa, qua kinh tế xã hội chủ nghĩa, tiến lên kinh tế thị trường, thời đại đổi thay, mơ về Hanoi giáng kiều thơm đổi thành “mơ về Hanội giáng đùi thon” nhan nhản ngoài phố  xem ra cũng là lẽ tất yếu của một chân lý không thể chối từ.!

Tiền ở đâu ra mà nhiều thế. Tất nhiên một phần nhỏ từ việc bán chút mồ hôi làm giầy Nike cho Hoa Kỳ hay gia công làm quần áo make in Viêtnam nhưng một phần quan trọng đến từ “khúc ruột ngàn dặm”.

Nhìn coi, bình quân trong năm 2018 (kiều hối mà không hận) đạt con số gần 6 tỷ Mỹ kim.

Số tiền này làm những đô thị Việt Nam cao hơn mỗi ngày, đường cao tốc rộng ra, Hanôi nhiều xế nổ, nhiều khói, nhiều bụi, nhiều rác hơn, người Việt cũng mập hơn một chút vì uống nhiều bia hơi.

Thôi cũng được, ăn trả thù thời bao cấp thiếu chất đạm bát phở tống thêm hai trái trứng, diện  hàng hiệu, mode Đại Hàn, mode Thượng Hải , mode U- SA để trả thù thời áo cánh quần đen, thời cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay với 6 tỷ mỹ kim kiều hối một năm hiển nhiên đã góp phần làm bát phở mà tôi ăn trong hẻm Thọ Xương hoành tráng hơn, tràn những thịt và thịt, không cần phải bồi dưỡng với hai hay ba thìa bột ngọt hất vội vào bát phở như mấy năm trước khiến khách Việt kiều  phải van xin “thôi thôi...cho em xin

Nói bóng bẩy thì phải chăng bát phở Cali, Phở Paris, Phở Úc Châu , phở Canada đã chia sẻ hương vị và “chất lượng” cụ thể với bát phở Hanội để đẩy nó từ phở quốc doanh thời bao cấp  lên phở Thọ Xương, phở Lý Quốc Sư, Phở Bát Đàn vv..

Một cơ may mới đang mở ra với con số lên tới gần 20 triệu người Việt khắp năm châu. Nếu mỗi thế hệ khoảng 18 năm từ lúc cha mẹ ra đời tới thế hệ đứa con đầu tiên là 20 năm, đứa thứ nhì ba năm sau thì có thể mường tượng 20 năm sau chúng ta sẽ có 40 tới 50 triệu người Việt ở hải ngoại.

Đây là lần đầu tiên chúng ta có một nước Việt Nam Hải ngoại cạnh tranh với một nước Tàu hải ngoại.

Đây là một tài sản quốc gia quý báu không chỉ là nguồn tiền bạc, mà còn về kỹ thuật, trí tuệ. văn hoá, thương mại nếu biết vận dụng và thực tình, thực tâm, thực lòng nối với khúc ruột ngàn dặm này.

 Người Việt hải ngoại về nước ngày một nhiều, về chơi như du khách hay hồi hương, về đầu tư, người con rồng cháu tiên “xuất cảng” ra thế giới cũng không ít, giòng hợp lưu hai chiều đang cuồn cuộn chẩy mãnh liệt và hiện đại, phức tạp hơn nhiều lần thời một triệu người Bắc di cư vào Nam mang theo bát phở Nguyễn Tuân của Hanôi.

Những va chạm lúc đầu cũng có, thằng thì ỷ tiền làm phách vênh váo, thắng thì ghen hay tự ái rút giao đâm chết thằng kia nhưng chuyện này đã bớt nhiều vì tới 2018 Việt kiều chẳng còn gì để khoe mẽ hay lên mặt chảnh với người Hanôi hoặc ngay cả với dân quê duới tỉnh lẻ, dù là khoe tiền bạc hay khoe I phone, thông tin mạng.

Ngồi uống rượu Tây với ông hoạ sỹ Lê Thiết Cương và ông nhà văn nhạc sỹ Nguyễn Thuỵ Kha ở nhà hàng sang trọng La ca, tôi hỏi đùa mà là hỏi thật đấy: “có bao nhiêu người Việt  ngoài kia được uống thứ rượu  này”.

Câu trả lời là “những thứ rượu như thế này thì  cũng hơi hiếm đấy, nhưng những thứ rượu khác thì tràn đầy”  !!! ....

Vậy tôi viết chẳng đúng sao.?! Điều vẫn gọi là quốc hận quả là một ngày vinh quang nhất của dân tộc Việt Nam và hiện đang làm người Việt ta  “say” ngất ngư” !!! quên hết sự đời.

Send comment
Your Name
Your email address
(View: 11129)
Nhưng tại sao những điều nói ra đều về quá khứ mà không về tương lai? Chẳng lẽ 3 triệu người Việt đã chết trong chiến tranh để có ngày 30 tháng 4 không để lại một bài học nào cho tương lai?
(View: 8822)
Tình hình cho thấy Mỹ NATO và Nga Putin đã hình thành một thế đối đầu không thể rút lui được nữa. Chiến cuộc sẽ ngã ngũ trong vòng một vài tháng tới, và hậu quả của nó trong việc sắp xếp lại trật tự thế giới sẽ rất lớn lao.
(View: 9823)
Có nguồn ý kiến cho rằng có thể vụ "Thảm sát Bucha" là một sản phẩm chiến tranh thông tin do phía Ukraina dàn dựng ra để gây thiệt hại cho Nga về mặt dư luận. Hoặc đặt ra dấu hỏi, nguồn tin của báo giới Phương Tây về chuyện này có đáng tin không khi họ có vẻ đã đứng về phía chống Nga?
(View: 9130)
Những chuyên viên quân sự Hoa Kỳ cho rằng để kiểm soát được an ninh diện địa trong khu vực tạm chiếm, lực lượng xâm nhập phải gấp năm lần phe phòng thủ và sẽ cần nhiều hơn nữa nếu đối phương là một lực lượng có kỹ thuật và được thúc đẩy bằng một tinh thần quyết chiến và được tiép vận võ khí, yểm trợ tình báo từ một hậu phương bên ngoài lãnh thổ giao tranh. Ukraine hiện có khoảng 126.000 binh sỹ nhưng còn có lực lương dân quân tự vệ hàng chục ngàn người. Một điều quan trọng khác cần được nói tới vì đẫ từng được kiểm chứng trong lịch sử đó là việc ném bom tàn bạo vào các thành phố không mang hiệu quả trong việc ép buộc dân chúng phải đầu hàng thí dụ Đức tấn công Stalingrad năm 1942, Mỹ tấn công Baghdad 2003. Đây là một nghịch lý trong chiến tranh tại thành phố Càng oanh tạc tàn bạo càng khó khăn hơn trong việc bình định. Trong những đợt oanh kích đầu tiên người ta sẽ quen đi và trên cái nền đổ nát sẽ là những công sự chiến đấu lì lợm và hiệu quả.
(View: 8568)
Như Chúa đã nói : “phước thay đôi mắt trẻ thơ” Nếu có thể giải trừ mọi kiến thức khi cầm cọ để trở về cái tâm thức nguyên thuỷ vô nhiễm của trẻ thơ thì sẽ có được những tác phẩm tuyệt vời. Thực tế thì đôi khi chúng ta chỉ bắt chước một cách vụng về cái tư tâm thức chưa ô nhiễm của trẻ thơ trong một cơn say hay khi hoá điên (điên vừa phải như Van Gogh, Gauguin, Modigliani, Chagal và những tác phẩm để đời). Tranh Chargal
(View: 7422)
Tôn tử nói.: “Thành quả tốt nhất trong nghệ thuật chiến tranh là chiếm giữ toàn bộ một quốc gia còn nguyên vẹn. Làm tan nát, tiêu huỷ quốc gia đối thủ không là một kết quả tốt đẹp. Bắt giữ được trọn vẹn một quân đội, nắm bắt được một chế độ. Nếu Mariopul tử chiến Nga Sô sễ phại bằng mọi giá tiêu diệt hành phố này vì không thể kéo dài lâu hơn được nếu muốn tránh những hậu quả tuyên truyền tai hại cho sức mạnh của quân đội Nga và uy tín cụa Putin. Hiển nhiên quân đội Nga với truyền thốg tàn bạo sẽ làm được nhưng câu hỏi đặt ra là rồi “său đó chuyện gì sẽ sẩy ra”. Câu trả lời có trong lời dậy của binh pháp Tôn Tử. Nga Sô mất Mariopul và mất vĩnh viễn Ukraine
(View: 6450)
Giới thiệu toàn bộ sáng tác của Đông Duy gồm 2 bộ sách nghiên cứu lịch sử :TRONG MẮT BÃO LỊCH SỬ (6 cuốn 3000 trang) MỸ VIỆT DUYÊN VÀ NGHIỆP (4 cuốn 2000 trang) .BÍ SỐ VŨ TRỤ (từ chân không diệu hữu tới vật lý lượng tử) HÔM NAY TÔI LÀM BÁO (2 cuốn trước 1975 và trên đất Hoa Kỳ) Truyện dài “NƠI CÓ MƯA RÀO RẢI RÁC” và ĐẤT CÓ THẦN. tạp ghi ..NHỮNG MẢNH NGHĨ RỜI. Tuyển tập “Thơ Tranh, Nhạc (MỘT ĐỜI …A LIFE)
(View: 44513)
Trong mắt nhìn của Tập Cận Bình, cuộc cạnh tranh Hoa Mỹ đang diễn ra phải là một cuộc phục hưng vinh quang bá quyền của Thiên Triều trong toàn cõi Á Châu để rửa đi những ô nhục, mà Trung Hoa từng phải úp mặt xuống bùn đen chịu đựng xuốt hai thế kỷ nín thở qua cầu qua hai cuộc thế chiến. Trung Hoa càng ngay càng quá trớn trong việc phát động quan điểm quốc gia cực đoan. Trong hướng Nam tiến , Trung Hoa xâm nhập trầm trong và đất Lào.Dường xe hoạ cao tốc Côn Minh -Vạn Tượng dài 1000 câyy là một tuyến chiến lược quân sự và kinh tế để bao vây và vô hiệu hoá nút chặn Việt Nam.Thế lực của người Tàu phủ chụp lên lên CamBốt đang vươn tới Thái Lan với dựa án kinh đào Kra cắt ngang phần hẹp nhất của lãnh thổ Thái để thay thế cho eo biển Tân Gia ba.
(View: 22795)
Minh Hoa mở rộng cánh cửa vào tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, đức hạnh cũng như dục tính, một điều mà những nhà văn nam phái ( phần lớn chỉ đoán mò) . Đời một con người sao có thể bi thương đến thế. Nó tàn ác trong êm đềm mà sao nghe kinh hãi hơn cả đỉnh gió hú, bi thảm hơn bi kich trong Lôi Vũ của Tào Ngu Khoái Lạc Đỏ không thiếu chân dung của những nông nô vinh quang, sống sót được nhờ chút danh giá, sỹ diện, những biểu tượng hão huyền và cúi đầu chấp nhận hi sinh trọn một cuộc đời trong tăm tối chỉ mong được làng sóm chấp nhận và có bát cơm đầy để sinh tồn.
(View: 31199)
Nhà thơ lớn của đất nước Trần Dần là người của phố Sinh từ “ tôi ở phố Sinh Từ ” . Cũng trên con phố nhỏ mang nhiều di tich lịch sử và văn học này sau Trần Dần trên một thập niên một nhà thơ khác ra đời Vũ Đình Khánh trong một giai đoạn căng thẳng nhất của lịch sự, 1946 với bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam său tám chục năm nô lệ. Lớn lên, nổi trôi theo vận nước Vũ Đình Khánh làm thơ và bấm trụ con phố Sinh Từ. Con phố này như mạch máu trong tâm tư ông chất chứa đầy ắp những nhân vật và biến cố gắn liền với đời sống Hanôi, tuổi thơ và dòng thơ của ông.

GHI DANH NHẬN BẢN TIN
Nhập địa chỉ email.