Kẻ đào Ngũ
Đông Duy Hoàng Kiếm Nam
Đó là hậu quả tất nhiên sẽ xẩy ra trong cái ngày mà cái vỏ chống Mỹ cứu nước không còn nữa... (khi mà những nhân danh chiến tranh cứu nước, chiến tranh giải phóng không còn).
Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhì, suốt 20 năm người Hoa Kỳ trong mục tiêu củng cố thế chiến lược của mình, đã đầu tư vào VN (bên cạnh cái vốn xương máu rất nhỏ 60 ngàn nhân mạng người Mỹ), là một thứ võ khí nguy hiểm, đó là cái lối sống Hoa Kỳ American Ways of Life
Khoảng những năm 1972-73, sách Mỹ phế thải tràn ngập Sài gòn. Sách phế thải không bị kiểm duyệt lại rẻ tiền, và tôi thường ra đường Nguyễn Huệ mua sách báo cũ về đọc.
Sách nhiều quá, làm sao lựa chọn nhưng sau một thời gian, tôi nghiệm ra được một điều là người Mỹ rất thực tế, giá trị của cuốn sách thường được tính ra thành tiền, được in ngay ngoài bìa. Những sách đọc được, loại best seller hoặc sách khảo cứu loại paper back có giá trị giá bán tối thiểu là $1.75 tới $2.00.
Dưới giá đó, những sách koảng 75 Cents đều thuộc loại nhảm nhí, chuyện gián điệp, khiêu dâm, ái tình lèm bèm mà người Mỹ gọi chung là loại skin books, loại sách "ngoài da", lá cải.
Kinh nghiệm đó thường đúng tới 99%, tuy nhiên, có một lần tôi tình cờ thấy một cuốn sách cũng thuộc loại 75 cents, nhưng sau khi đọc xong, cuốn sách này đã làm rung chuyển toàn bộ quan niệm của tôi về cuộc chiến.
Từ sự rung chuyển này tôi bắt đầu suy duyệt lại những định kiến của tôi về cuộc đối đầu Quốc Cộng tại Việt Nam, mở rộng ra hơn về cuộc đối đầu giữa hai phe Tư bản và Cộng Sản trong khuôn khổ của cuộc chiến tranh lạnh.
Với kinh nghiệm về giá cả của một cuốn sách, liếc qua, tôi đã quyết định không mua, nhưng chợt nhìn lại hình vẽ ngoài bìa có liên quan tới cuộc chiến Việt Nam với hình cầu Bến Hải, bom đạn, lửa cháy rực trời nên lại đổi ý mua đại về đọc thư.
Tựa đề của cuốn sách là: Kẻ Đào Ngũ.
Đây là một truyện tiểu thuyết giả tưởng, nhân vật chính là một nhà báo Hoa Kỳ, được CIA móc nối để đóng vai một ký giả thân Cộng, nhờ đó ông ta có cơ hội tới Hà Nội, với sứ mạng tìm cách đưa một nhân vật quan trọng trong chính phủ Cộng Sản, đào thoát về miền Nam.
Câu truyện bắt đầu ly kỳ vì nhân vật Cộng Sản muốn đào thoát này theo sự mô tả của tình báo Mỹ, hiện đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Phát Triển Hậu Chiến.
Điều cần phải nhấn mạnh, đây là một câu truyện hoàn toàn giả tưởng, và ở thời điểm 1972 chiến cuộc tuy đang leo thang dữ dội, nhưng đâu đó người ta đã bắt đầu có cảm giác là người Mỹ đang chuẩn bị cho một giải pháp nào đó trong vấn đề Việt Nam.
Giải pháp đó có nhiều hy vọng không phải là việc tận diệt chế độ Cộng Sản miền Bắc. Do đó, chức vụ Bộ trưởng Bộ Phát Triển Hậu Chiến của chính phủ Cộng Sản tuy không có thật, nhưng cũng gợi cho người ta một hàm ý nào đó, liên quan đến những diễn biến thực sự của tình hình chính trị và quân sự.
Câu truyện đọc đã quá lâu, đại để chỉ nhớ được những nét chính:
Nhân vật Bộ trưởng Bộ Phát Triển Hậu Chiến này, theo sự mô tả của tình báo Hoa Kỳ là một người gốc Miền Nam, con nhà địa chủ, từng theo học tại đại học Harvard Hoa Kỳ.
Hà Nội trong câu truyện được mô tả với những chi tiết thực sự chính xác như rượu lúa mới, thuốc lá Thăng Long, viẹn bảo tàng tội ác đế quốc Mỹ, vì thế đã mau chóng cuốn hút người đọc trong một không khí rất thật.
Trong cuộc phỏng vấn sơ khởi tại Hà Nọi, anh nhà báo Mỹ nêu câu hỏi thăm dò:
- Trong cuộc chiến này, theo ông bộ trưởng, miền Bắc thắng hay miền Nam thắng?
Câu trả lời là:
- Trong cuộc chiến này, Miền Nam sẽ thắng, càng đánh nhau lâu miền Nam càng thắng lớn.
Trước vẻ thắc mắc của anh nhà báo, nhân vật bộ trưởng Cộng Sản đặt câu hỏi ngược lại:
- Ông có nghiên cứu về lịch sử nước tôi không?
- Có, tôi có được tìm hiểu sơ lược về lịch sử Việt Nam.
- Lịch sử nước tôi là một chuỗi những cuộc Nam tiến để mở mang bờ cõi, nhưng đây là lần đầu tiên sẽ có một cuộc Bắc tiến.
- Bắc tiến?
- Đúng vậy, miền Bắc hiện đứng sau miền Nam ít nhất 20 năm về khoa học và kỹ thuật, khi hoà bình trở lại, người ta sẽ thấy diễn ra cuộc Bắc tiến về khoa học kỹ thuật này.
... Câu truyện tiếp diễn với việc ông bộ trưởng Cộng Sản trên con đường đào thoát, đã lấy cớ đưa anh nhà báo đi tham quan để đi lần vào sát vĩ tuyến 17 ...
Một buổi tối đi tới một cây cầu vừa bị bom ném xập, anh nhà báo bầy tỏ sự cảm phục khi thấy hàng ngàn người dân phu thắp nến, thắp đèn, làm việc suốt đêm để sửa chữa.
Nhân vật bộ trưởng Cọng Sản chỉ cây cầu gẫy nói:
- Ngày mai cây cầu này sẽ được sửa xong.
Anh nhà báo Mỹ thắc mắc hỏi dò:
- Thú thật, tôi chưa thấy một dân tộc nào kỷ luật như vậy... Với một kỷ luật và quyết tâm sắt đá như thế này, làm sao ông bảo miền Nam sẽ thắng được miền Bắc....
Nhân vật tổng trưởng Cộng Sản đáp:
- Miền Bắc bây giờ như một cây cổ thụ bị mọt rỗng ruột. Mỗi ngày bị mất đi một hạt gỗ nhỏ li ti, cây vẫn đứng y nguyên, ngày hôm sau thêm một hạt gỗ nữa cũng chẳng sao.... cho đến một ngày nào đó, chỉ thêm một rung động nhỏ, mất thêm một hạt gỗ nữa, cây cổ thụ này sẽ đổ xuống, và sẽ không bao giờ còn đứng dậy được nữa.
Đó là hậu quả tất nhiên sẽ xẩy ra trong cái ngày mà cái vỏ chống Mỹ cứu nước không còn nữa... (khi mà những nhân danh chiến tranh cứu nước, chiến tranh giải phóng không còn).
Anh nhà báo sau đó hỏi tiếp mọt câu rất khó trả lời:
- Theo những báo cáo mà CIA nhận được thì ông tổng trưởng là đàn anh của Phạm Hùng. Phạm Hùng hiện đang có uy thế lãnh đạo trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trong thực tế này, tại sao ông bộ trưởng không vào hoạt động trong Mặt Trận Giải Phóng, giúp Phạm Hùng đánh thắng Miền Nam, rồi sau đó muốn làm gì mà chẳng đuợc, cần gì phải đào thoát.
Câu trả lời then chốt không khỏi làm người nghe lặng người trong ngạc nhiên...
"Trong tương lai thời hậu chiến, bất cứ gương mặt nào xuất hiện dưới cái vỏ Cộng Sản đều sẽ thất bại, không thể làm được việc, do đó, tôi phải đào thoát để trút bỏ cái vỏ Cộng Sản này..."
- Vậy thì miền Nam thiếu cái gì?
- Miền Nam chỉ thiếu mọt sự quản trị tốt (a good management) và tôi sẽ là người mang cái quản trị tốt này vào Miền Nam....
Câu truyẹn gián điệp giả tưởng này chấm dứt ra sao, tôi không nhớ và cũng không thấy cần thiết phải nhớ... tuy nhiên chỉ một đoạn trên cũng đủ mở ra một cái nhìn khác về cuộc chiến....
Những giả tưởng trong cuốn sách ở thời điểm 1970, là chuyện khó có thể hình dung được, càng không thể hình dung được chuyện Cộng Sản sẽ toàn thắng, nuốt trọn Miền Nam như đã diễn ra trong tháng 4 -1975, dù trước đó người ta từng được nghe những lời tuyên bố có vẻ ngang ngược của một chuyên viên quân sự và chính trị Do Thái là tướng độc nhãn Moses Dyan.
Theo tướng Dyan thì muốn thắng Cộng Sản hãy cho Cộng Sản chiếm nốt miền Nam.
29-3-1973 chương trình Việt Hoá chiến tranh của Nixon hoàn tất, những đơn vị tác chiến cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, chiến tranh vẫn tiếp diễn trên những văn kiện còn ướt mực của hoà đàm Ba Lê, người Mỹ đã phủi tay, nhưng vẫn không ai tin ở nhận xét của ông tướng độc nhãn, và càng không thể nghĩ rằng số phận của miền Nam sẽ kết thúc tức tưởi như trong ngày 30-4-1975.
Vậy mà cái ngày 30-4-1975 đã xẩy ra, khi những toán bộ đội đi dép râu ngơ ngác giữa một Sàigon tráng lệ, to lớn, và tân tiến, xững sờ như đang đứng trên một xứ ngoại quốc. Càng xững sờ hơn khi thấy rằng người dân miền Nam không hề cần được giải phóng, họ tự do, no ấm và "tiến bộ" hơn ngàn lần miền Bắc. Lúc đó cũng là lúc những gì được nói đến trong câu chuyện giả tưởng "kẻ đào ngũ" dần dần diễn ra.
Quả thật, một cuộc Bắc tiến đã âm thầm diễn ra ngay sau những tiếp xúc đầu tiên giữa người dân Sàigon, và đám lính mới về từ rừng xanh, hoặc những anh cán bộ chính trị với khối óc trống rỗng kiến thức nhưng chứa đầy khẩu hiệu.
Sức đề kháng của người miền Nam thể hiện qua hàng ngàn câu chuyẹn khôi hài để mô tả sự ngờ nghệch, lạc hậu của kẻ chiến thắng. Cái vỏ chống Mỹ cứu nước, giải phóng nhân dân miền Nam tạm thời được vớt vát bằng việc đẩy một triệu trái tim khối óc chủ lực của miền Nam vào các trại tù cải tạo, bằng sức mạnh của khủng bố và một chế độ độc tài khắc nghiệt công an trị, một kỹ thuật tẩy não tinh vi những nhân danh cũng chỉ ngắc ngoải một thời gian ngắn.
Kẻ chiến thắng rõ ràng đã không đủ khả năng để cai trị hữu hiệu trong thời bình, và đã mắc nghẹn với miếng mồi miền Nam quá béo bổ.
Một cuộc Bắc tiến về khoa học, kỹ thuật, dân trí, đặc biệt là ý thức dân chủ đã tức thời diễn ra. Cuộc Bắc tiến thể hiện trong lúc khởi đầu hèn mọn như việc những anh bộ đội, cán bộ ào ạt vào miền Nam mua sắm mang về Bắc những tiện nghi quen thuộc của một xã hội tân tiến. Từ những chiếc đồng hồ hai cửa sổ, không người lái, những chiếc quạt máy quay tự động, máy mùa đông, cho đến những chiếc TV, máy may, tủ lạnh, radio, những cuộn giấy đi cầu v.v...
Sự khuất phục của kẻ chiến thắng sau đó lộ hẳn ra trong sự tiếp xúc với cái xương sống sáng tạo và sản xuất của mọi xã hội, là các giới chuyên viên trung cấp, trí thức miền Nam.
Sự khác biệt về kiến thức phổ thông của thời đại mới, giữa người dân hai miền từ hạ tầng kiến trúc xã hội, tới giới chuyên viên trung và cao cấp, cho thấy dân trí miền Bắc giống một chiếc mốc chỉ đường, đứng ngủ quên từ thời Pháp thuộc, trong lúc miền Nam với sức mạnh của tự do (tương đối), phương tiện tuyền thông, cơ hội tiếp xúc với Tây Phương, quả đã bỏ xa miền Bắc một hai chục năm.
Hình ảnh cái cây cổ thụ xã hội chủ nghĩa bị mọt rỗng trong xương tuỷ đúng hơn bao giờ hết.
Những người cầm quyền trong đảng Cộng Sản Việt Nam có biết điều này không? Tất nhiên họ dư biết, vì ở căn bản một chế độ chuyên chính (nói trắng ra là độc tài), không bao giờ hết kẻ thù. Phải tạo ra kẻ thù, kẻ thù càng mạnh, chế độ càng vững. Chế độ không thể tồn tai nếu không còn đối tượng đấu tranh. Không còn gì dể nhân danh, thì sẽ không thể bịt mắt, bịt tai, thúc đẩy, cùm xích, khống chế những khát khao rất con người của quần chúng.
Để cầm cự và tránh một đổ vỡ bất chợt cho chế độ, mọt số đối tượng tranh thủ mới được tạo dựng ra, như việc khống chế Cam Bốt, viẹc thanh trừng, tù đầy giới trí thức, chuyên viên miền Nam (đa phần là trong quân lực VNCH), đưa đến viẹc khoảng nửa triệu khối óc và những kinh nghiệm, những hiểu biết kỹ thuật Tây Phương bị hy sinh phí phạm trong các trại tù học tập cải tạo.
Biện pháp này chỉ giải quyết được sự ổn định tạm thời giữa chiến tranh và hoà bình, vì chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đấu tranh gượng ép này, không thể và không còn đủ hấp lực để mà mắt bất cứ ai.
Những nhân danh trá ngụy đã hiện rõ không chỉ với người dân miền Nam, mà cả người dân miền Bắc nữa.
Hình ảnh những người tù chính trị của miền Nam khi tới miền Bắc, bị dân chúng xúm lại ném đá chửi bới đã tan đi thật mau.
Miền Bắc chiến thắng quân sự nhưng không hấp thụ được miền Nam, trái lại rất mau chóng, cuộc Bắc tiến về mọi phương diện từ khoa học, kỹ thuât, văn hoá, nghệ thuật bắt đầu thẩm thấu theo chiều Nam Bắc.
Người Mỹ đã rút lui nhưng những trái mìn bẫy đã được gài lại.
Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhì, suốt 20 năm người Hoa Kỳ trong mục tiêu củng cố thế chiến lược của mình, đã đầu tư vào VN (bên cạnh cái vốn xương máu rất nhỏ 60 ngàn nhân mạng người Mỹ), là một thứ võ khí nguy hiểm, đó là cái lối sống Hoa Kỳ American Ways of Life
Cái American Ways of Life này đã được đổ vào Nhật Bản khi tướng Mac Arthur gọi Nhật hoàng đến văn phòng mình trình diện, rất mau sau đó nó biến thành những cô gái Nhật mặc Kimono, nhai kẹo cao su quay cuồng với lính Mỹ trong những hộp đêm.
Cái American Ways of Life này sau đó cũng được gài lại ở Đài Loan, Đại Hàn và tương tự ở Việt Nam.
Diễn tiến của cuộc đầu tư này, có thể khác nhau về hình thức, về thời điểm nhưng ở tổng diện vẫn giống nhau, đó là cho người ta tập quen với cách sống, cách làm việc, suy nghĩ, quan niệm về một quốc gia theo kiểu Hoa Kỳ. Người Mỹ gọi đó là phương cách kiến tạo một quốc gia (a nation building process). Họ không quan niệm quốc gia theo cái quan niệm cổ điển đặc thù và linh thiêng của Á Châu, mà quốc gia chỉ là sự tương quan chính trị, địa dư, kinh tế giữa những vùng đất trên địa cầu, và quan trọng hơn cả là cái khuôn mẫu quốc gia này, phải rập theo cái khuôn mẫu của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Một trong những phương tiện để thực hiện việc building nation này là đồng Đô La và cái lối sống Hoa Kỳ.
Vì thế không là chuyện đáng ngạc nhiên khi trong thời chiến ở Miền Nam, mọt đặc công người nhái Cộng Sản bơi lặn nhiều tiếng từ ngoài khơi vào căn cứ Cam Ranh đã bị bắt ngay, trong khi những xe đồ lậu, đồ PX, tiếp tục thoát khỏi các căn cứ Mỹ để đổ vào mạch máu đời sống miền Nam.
Miền Nam bị khai tử nhưng cái lối sống Hoa Kỳ còn đó và bắt đầu cuộc xâm lăng miền Bắc.
Kết quả, không cần tốn thêm một viên đạn, chỉ trong một vài năm từ khi chiến thắng, toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở của cái guồng máy cai trị Cộng Sản tan mủn ra. Những mầm mống ung thối lan thật mau trong mọi giới cán bộ Cộng Sản, để 20 năm sau thì trở thành vô phương cứu chữa.
Ba năm sau ngày "giải phóng" Saigon, một cán bộ Cộng Sản đã phải tâm sự: "đánh nhau với đế quốc Mỹ trong 20 năm đảng không mất nhiều cán bộ bằng ba năm vừa qua."
Nhà văn Nguyễn Tuân trong lần vào Sàigon thăm một người bạn thân đã mỉa mai:
"Bảo miền Bắc chết đói thì không đúng nhưng người ta đang chết thèm, nhất là từ sau khi giải phóng được miền Nam."
Cây cổ thụ mọt rỗng trong cái vỏ chống Mỹ cứu nước quả đã gục xuống và không bao giờ còn đứng lên được nữa.
Sự dự tưởng của cuốn truyện cũng đúng ở chỗ từ sau khi đại thắng miền Nam và mất đi cái vỏ chống Mỹ cứu nước, thì đảng và nhà nước đã trở thành kẻ thù của nhân dân, trở thành chính đối tượng đấu tranh của quần chúng, trong lúc kẻ thù xưa với cái nhãn hiệu Made in USA lại được sùng kính yêu mến hơn bao giờ hết.
Những huyền thoại, những nhân danh nếu đã giúp một chế độ độc tài tồn tại, khống chế con người thì khi những huyền hoại này tan vỡ, khi ảnh hưởng của chất ma tuý lừa phỉnh đã tan đi, sự phản tỉnh đưa đến sự đối nghịch của quần chúng là chuyện tất nhiên, và cũng sẽ mãnh liệt hơn gấp bội. Người ta cắn răng chịu đựng, "chờ đợi" nhưng không còn để bị phỉnh gạt nữa.
Tháng 4-1995, sau 20 năm chiến tranh, 20 năm cô lập, giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã vặt nài, chịu đựng đủ mọi nhân nhượng, mọi điều kiện để "được" tái bang giao với Hoa kỳ. Một thành quả tương tự như một sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản. Chuyện chấp nhận đầu hàng này sẽ đến, nhưng sẽ đến trong sự "timing" và trong những điều kiẹn mà Hoa Kỳ khéo léo đặt để và lãnh đạo. Việt Nam sẽ thành một Nhật Bản, một Đại Hàn một con rồng thực sự của Á Châu hay một Congo, một Cuba, chuyện đó đã nằm trong chính sách chiến lược dài hạn của Hoa Kỳ.
Đã 50 năm qua, từ ngày Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tai vườn hoa Ba Đình, cái hạt giống tốt lành tích luỹ tinh anh, và niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt vừa chợt cựa mình nẩy chồi đâm lộc, sau 100 năm nô lệ, rồi lớn mạnh thành một bóng cây cành lá xum xuê của cuộc kháng chiến dành lại tổ quốc. Giữa những nhục nhằn chà đạp, bóc lột của đám thực dân, có ai không từng có lúc nhìn vào bản tuyên ngôn độc lập đó, như một niềm hãnh diện, ngay cả muốn đổ máu của chính mình ra để vun xới chung.
Tuy nhiên có ai giám phủ nhận rằng đã một quãng dài giữa những khúc mắc oan nghiệt của lịch sử, tàng cây kia che lấp mọi ánh sáng của sự thật, trở thành hang động của một bọn yêu ma rắn độc.
Tàng cây cổ thụ kia đã gục xuống, gỗ đã mủn ra trở về với đất, loài yêu quái tan đi thật mau, bọn rắn rết mù loà dưới ánh sáng mặt trời đứng yên đợi chết. Đời sau kể chuyện cổ tích, có người nói rằng hồn ma của những con ma vẫn còn đó mãi mãi, mọi người phải tránh xa, chẳng bao lâu cỏ dại, gai góc mọc lên um tùm, đất linh xưa thở thành ma địa. Cũng có người nói, đất này là đất nhà vốn lành, gỗ đã mục thành phân bón tốt. Hãy trồng một vườn hoa hay khơi một ruộng lúa.
Trich “Trong mắt Bão Lịch Sử”