Đã qua gần nửa thế kỷ, 30 tháng 4 chứng tỏ là một ngày quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, hai phe thắng thua đều có những tưởng niệm. Để lập lại những điều đã nói nhiều trong năm trước.
Nhưng tại sao những điều nói ra đều về quá khứ mà không về tương lai? Chẳng lẽ 3 triệu người Việt đã chết trong chiến tranh để có ngày 30 tháng 4 không để lại một bài học nào cho tương lai?
Chắc chắn là có!
Bài học đầu tiên của 30 tháng 4 là những người của hai phe đánh nhau đều là người Việt Nam. Một bài học cay đắng mà nhiều người không chịu nhìn nhận.
Bài học thứ hai, họ là những người, dù tự nguyện hay bắt buộc, đều đã chết một tương lai của Việt Nam. Một bài học nhiều người đã quên.
Bài học thứ ba, có phải sự khác biệt nào của những người cùng yêu quê hương đều cần thiết phải trả bằng máu? Một bài học nhiều người không nhìn ra.
Hãy nhớ rằng, nếu ngày mai đất nước bị xâm lăng, dù muốn dù không, những người Việt cả hai phía thù địch của ngày hôm nay vẫn phải vào chung một chiến hào để chiến đấu. Đến lúc đó họ mới thấy hết tất cả sự vô nghĩa của những khác biệt nhỏ nhặt hiện tại.
Tưởng niệm 30 tháng 4 mà không bàn về tương lai Việt Nam là một thiếu sót vô cùng lớn. Tương lai sẽ đi về đâu sao không thấy ai đặt dấu hỏi? Có những giải pháp thực tế nào cho những khác biệt còn tồn đọng? Những điều tích cực gì có thể làm được để giúp mau tới đích?
Tưởng niệm 30 tháng 4 mà không bàn về tương lai Việt Nam là một sự vô ơn lớn đối với sự hy sinh của những thế hệ đi trước. Và quan trọng hơn cả, một dân tộc không bàn luận về tương lai của nó thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắng cho tương lai của nó. Như Việt Nam đã từng.